Là một người bình thường nên chi tôi còn mang theo cái gọi là bản ngã. Thôi thì bỏ qua những thuật ngữ, những khái niệm và tư duy về một bến bờ”vô ngã” mà bản thân chưa đủ khả năng tiếp cận được. Ở đây lúc này, với một túi xương da máu thịt, cùng với một cái gọi là “ta”- trung tâm của mọi rắc rối ”- và cái túi da đó, cái trung tâm rắc rối đó đang lôi thôi lếch thếch trong cuộc đời. Và hằng ngày, hằng giờ , cái chủ thể đang có vô vàn đối tượng để chứng minh rằng nó đang tồn tại. Đối tượng có thể là cây là cỏ là gạch ngói đất đá, là vợ là chồng là con là cháu là cha mẹ. Ông bà và bạn bè cũng như kẻ thù... Vì luôn luôn là trung tâm (centered) nên chủ thể ít khi chịu khó ”nhìn nhận” những gì không phải là trung tâm. Trong gia đình, những đối tượng như vợ chồng, con cái... tưởng là những mục tiêu dịu dàng thương yêu giúp làm vơi đi cái bản ngã sâu thẳm, nhưng thật ra “khát ái” đã che mờ trí tuệ, và thay vì ”nhìn nhận”, nó lại chinh phục (conquer), thống trị (dominate) và tước mất tự do của đối tượng. Mức độ khát ái càng cao thì xung đột càng tăng. Trong gia đình, vô hình chung vợ hay chồng trở thành đối trọng. Tu đâu không bằng tu nhà. Đó là một kinh nghiệm đời trước đã dạy. Vợ là người thầy. Chồng là người thầy. Không phải là một lời nói chơi!... Khi mệt mỏi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, hay thậm chí chếnh choáng trở về nơi gọi là tổ ấm sau một cơn say, bỗng nhiên nghe những lời phàn nàn, đay nghiến... Phản ứng nào sẽ xảy ra?
Thông thường có thể có 3 phản ứng: Nổi giận ăn miếng trả miếng. Nuốt giận tránh xa chỗ khác. Vui vẻ chào hỏi dùng lời ái ngữ Em ơi! Anh ơi!... Có phản ứng nào đúng? Đúng hay không tuỳ trường hợp. Nên chăng hãy làm thật sống thật. Nhưng làm cách nào để nhẹ đi cái bản ngã đang xung đột? Con người là một bộ máy không hơn không kém. Thân xác là bộ máy sinh trụ hoại diệt theo thời gian. Tâm cũng là một bộ máy bị điều kiện hoá: ai khen thì thích, ai nói lời xúc phạm thì nổi giận; suốt ngày loanh quanh không ra ngoài vòng yêu và ghét. Và không thể ghét ai yêu ai liên tục trong 3 giờ, 3 ngày, 3 tháng, 3 năm... Cái gọi là tâm ta rất hạn hẹp: nó chỉ chứa duy nhất một sự việc trong một lúc. Vậy thì khi nổi cơn giận, hãy quan sát thật sâu cơn giận (không có người đang giận đâu nhé!). Cái khoảng tách bạch đó đã khiến không tìm ra cơn giận ở đâu. Và chủ thể giận đang bị quan sát. Và ai đang quan sát ”nó”. Không ai cả! Cái ấy (the suchness). Cái là ta mà không phải là ta. Cứ nhiều lần như thế riết rồi năng lượng hồi quang phản chiếu (reflecting) càng ngày càng sâu làm vơi dần đi cái ”ta” nặng trĩu. Giống như đưa hai tay chụp con lươn: ban đầu chụp hụt, dần rồi trúng đuôi, dần dần bắt trúng lưng... Cũng chẳng mong gì bắt đươc đằng đầu, huống chi nói rằng bắt không hay không bắt như các bậc đạo sư. Như rứa cũng làm nhẹ tênh cuộc phong ba rồi!
Mà muốn nhẹ tênh cuộc đời thì hãy thực hành. Thực hành ngay đừng lần lữa. Ngay hôm nay, nơi này. Một mai ra đi không mang theo được cái bị thịt kè kè và cái trung tâm rắc rối. Ít nhiều, mang theo “cái ấy”, ánh sáng tự tánh bất sanh bất diệt, không tới không lui, không cao không thấp... Tuy nhiên, rất nhiều than van rằng sao mà khó quá. Có cách nào đường đi ngắn nhất? Không có ai chỉ bày cho ai được. Và dù có được minh sư, có được tấm bản đồ đi tìm châu báu, thì cũng phải bước đi những bước tự thân bắt đầu bằng Tín, Nguyện và Hạnh. Ở đây nói về Nguyện: Ai cũng tưởng Nguyện là phải hứa tự mình thực hiện những gì ghê gớm như ăn chay 3 tháng, ăn chay một năm hay suốt đời, hứa xây căn nhà tình thương cho người nghèo, hứa leo lên Hy Mã Lạp Sơn viếng chùa bên Tây Tạng... E rằng những lời nguyện đó dù rất khó khăn nhưng cũng có thể thực hiện được. Và có một lời nguyện có thể thực hành ngay không chờ đợi: Tôi xin nguyện từ nay sẽ không bao giờ giận vợ (chồng) nữa dù bất cứ điều gì xảy ra! Nghe có vẻ như đùa và dễ dãi phải không? Hãy thử xem, chỉ cần giữ lời nguyện trong một tuần thôi! Không cần từ nay đến cuối đời làm chi cho mệt! Nhưng chính những điều không thể hoặc quá khó thực hiện thì ta mới nguyện. Đừng mong chờ ánh sáng cuối đường hầm. Trong quá trình Hạnh (practice) thì ánh sáng bất ngờ loé ra soi sáng con đường, và nếu thực hành nghiêm mật liên tục, các đốm sáng sẽ được nối lại thành con đường ánh sáng. Không sở đắc và không sở cầu. Đi và đừng nghĩ đến chuyện đến. Rồi ra, cuộc đời thênh thang lúc nào không biết.
Nếu trong gia đình đối tượng khát ái là mầm mống của khổ đau và cũng vừa là đối trọng để luyện gang thép nung chảy miếng kim loại bản ngã cứng ngắt, thì lúc ra ngoài, có một “đấu trường” khốc liệt là giao thông trên đường phố hiện nay. Nghe có vẻ chuyện như đùa: tham gia giao thông có dính dáng chi đến qui trình điều tiết và gọt đẽo bãn ngã? Muốn tham gia giao thông phải có 3 điều kiện: đường sá, phương tiện và con người. Hai điều kiện trước thì tất nhiên phải phù hợp với luật định. Còn con người thì sao? Dễ ợt! Đủ tuổi và có sức khoẻ, biết luật và có bằng lái v,v... Chưa phải đâu! Tất cả mọi người hiện nay ra đường mang theo cái ngã to đùng. Đi như ma đuổi, đi nhanh cho chóng đến, đi không nhường ai, hể có quảng hở nào là tranh thủ, là vi phạm và rất vui sướng khi vi phạm mà không ai biết, không ai phạt. Hãy đến một giao lộ giờ cao điểm, nhất là khi đang kẹt xe, sẽ thấy một trung tâm rắc rối với những luồng dao động của vô vàn cái gọi là cá tính, là bản ngã đang xung đột. Sẽ chứng kiến những chủ thể âu lo, phiền não, hung hăng, lo sợ, tham lam và hiếu chiến (aggressive), không ai nhường ai, ai cũng muốn cho được phần mình. Cướp nhau từng centimetre đường đi, tranh nhau từng hớp không khí bụi bặm, chửi bới không tiếc lời, và có thể đâm chém nhau, như một lò sát sanh! Có những vị nghiêm trang trên giảng đường, đạo mạo trong công sở,c ó khi thuần thành trong tu viện, cũng không giữ bình tĩnh ở đây! Chẳng có ai nhớ đến lời dặn: Hít vào tôi biết tôi hít vào, thở ra tôi biết tôi thở ra, tôi mỉm cười trước một ngày mới...(Thích Nhất Hạnh). Tuy nhiên nếu bị kẹt trong đấu trường đó, tại sao không nắm bắt cơ hội hiếm có này để điều tâm mình. Đừng hòng cải tạo thế gian khi bản thân chưa chuyển hoá. Hãy lắng lòng lại, chú tâm tỉnh giác và tìm xem có cách nào hợp lý thoát ra khỏi nút thắt. Nếu không được, thì ngồi yên, thả lỏng cái đang là tôi, thoát ra khỏi vị trí chủ thể (có thể quán từ trên cao quán xuống). Sẽ thấy một khối sinh linh đồng chung nghiệp lực đang đau khổ, đang phiền não, tự mình mắc kẹt lấy mình và mắc kẹt lấy nhau trong một không gian tù túng, đầy khói bụi. Và rồi, sẽ tự nhiên xuất sinh lòng bi mẫn cảm thương cho kiếp người vô minh đang quằn quại trong đó có mình. Từ đó, lòng từ (compassion) sẽ phát ra thành lời cầu nguyện Quán Thế Âm. Và nếu trong đám hỗn tạp ấy, chỉ cần một số chú tâm tỉnh giác với lòng từ như thế thì nút thắt sẽ tự mở, vấn đề sẽ tự giải quyết, dù lực lượng chức năng chưa hoặc không đến được. Phép lạ không đến từ trên trời, Phép lạ xuất phát từ mặt đất! Và từ sự tỉnh thức, từ Trí tuệ.
Bản ngã chưa hẳn đã có thực. Nhưng nếu có thì cũng không có gì ghê gớm để kìm chế, để vô hiệu hoá nó. Nhưng nếu bản ngã qui tụ lại thành môt khối cộng lực, không có ánh sáng trí tuệ thì sẽ nguy hiểm như lò lửa chiến tranh. Làm cái bản ngã trở nên nhẹ nhàng là làm cuộc phù du này sẽ trở nên nhẹ nhàng và thênh thang. Khi ở trong nhà cũng như lúc ra ngoài ngõ, nếu luôn luôn chú tâm tỉnh giác sẽ an mình và an người, sẽ xuất sinh trí tuệ, phát kiến từ tâm thì cái gọi là tôi sẽ nhập lưu vào dòng, như suối chảy về sông. Đừng làm ao tù nước đọng. Hồ có đẹp nhờ ánh trăng thì hồ cũng khép kín giữa bốn bề lau sậy. Hãy là giòng chảy mênh mang vươn ra ngoài biển cả.
Hãy nhẹ nhàng trôi đi ơi bản ngã!
Huế, tháng 4 - 2009
Phan Như