Friday, February 11, 2011

Hà Thị Cỏ Tranh



Thời gian là giữa chừng thập niên sáu mươi. Không gian là kinh thành Huế cuối hè đang mùa nhãn lồng sum suê trái chín. Giữa phố xá đông người trên con đường Ngã Giữa, nhưng tôi vẫn bàng hoàng khi chợt thấy bóng áo trắng vải quyến, vải của tuổi học trò. Níu tay T.T.Mẫn, ông bạn lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, sẳn lòng đi theo tôi đến tận chân trời góc biển dù không bao giờ biết đi để làm gì và đi về đâu.

Chao ơi, đôi mắt màu hạt dẻ và dáng nghiêng của con hạc trắng lạc bầy. Người ấy không đi một mình. Cùng đi với nàng có thể là một người chị hay bà cô. Vào chợ. Qua phố. Lên dốc cầu đứng nhìn mông lung. Chúng tôi cứ lẽo đẽo đằng sau. Người chị (hay bà cô) tỏ vẻ khó chịu. Trừng mắt. Bặm môi. Có lẽ biết bọn tôi đi theo không phải vì bà. Mặc kệ! ... Thỉnh thoảng đang đi người ấy quay lưng, ban phát cho một chút lấp lánh của nụ cười .Có lẽ nàng tức cười vì có hai thằng điên khi không bám theo sát gót. Hay vì đôi guốc gông lẹc xẹc của tôi? (Thưa các bạn, tuổi học trò những năm sáu mươi hoặc đi dép cao su hoặc guốc vông, thuộc cái thời áp chót “Tuấn chàng trai nước Việt”, rất tiết kiệm và rất bảo vệ môi trường!)

Khi chiều đã ngiêng và nắng đã phai. Khi phố tím đã nhạt nhoà. Hai người. Ồ không, chỉ mình nàng và mình tôi (mặc dù nàng vẫn đi bên bà cô và tôi vẫn đi bên ông bạn) trong buổi chiều hôm ấy, bước xuống bến xe buýt dốc cầu Gia Hội. Nàng sẽ đi xe nào đây? Xe số 3 là về Bến Ngự. Số 8 là Kim Long. Số 13 là An Lăng. Số 14 là Tây Lộc. Ô hay,hai người đã bước lên xe số 9: Thuận An.

Nhưng làm sao đây? Hai đứa tôi chỉ có chiếc xe đạp cà tàng đang nằm trước nhà sách Gia Long. Tụi tôi cũng không có một trự nào để đi xe đò. Nhanh như chớp, tôi sẽ đèo Mẫn về nhà của hắn trước bến Toà Khâm và cũng là bến đỗ đầu tiên của chuyến xe Thuận An. May quá, chúng tôi vừa đến thì chiếc xe cũng vừa đỗ để đón khách. Thấy hai mặt mo tụi tôi như vừa chui từ lòng đất lên, nàng khúc khích cười trong khi bà cô nhăn mày khó chịu. Xe lại chuyển bánh. Người bạn của tôi có lẽ không chịu nỗi “đường xa chi ngái”,vả lại hắn chúa sợ bà già không dám về trễ bữa cơm. Cứ mỗi lần đi học về là bà bắt hắn nhăn mặt nhăn mũi uống một hơi ly sữa đặc có đường. Bù lại mỗi ngày hắn xơi vài ba ly cà phê đen đắng ngắt!

Tôi trả xe đạp cho hắn, và tất nhiên là phải chạy bộ theo chiếc xe buýt. Đến bây chừ mình vẫn chưa hiểu vì sao có thể chạy bộ bằng đôi guốc vông? Cũng may xe buýt hồi đó chạy chậm từng quãng để trả và đón khách lên xuống nên tôi có thời gian để đứng thở dốc. Còn nàng thì cứ cười khúc khích (ai nỡ cười chi khi thấy người ta chạy ”xăng mét” đằng sau xe đò khi trăng đã tà nguyệt đã tận!)

Còn bao nhiêu bến đỗ thì dừng lại nhà nàng? Không biết. Mà cần chi biết! Chỉ mong ngày đừng phai và đêm đừng nhạt. Toà Khâm. Đập Đá. Vĩ dạ... Đôi guốc bắt đầu làm tội làm tình khiến đôi bàn chân của tôi khập kha khập khiểng. Tôi cúi xuống liệng quách vào bụi cỏ ven đường. Ôi chân trần mát lạnh, mặc dù đường về Thuận An lúc đó đầy sỏi đá... Quá chợ Vĩ Dạ. Và xe đã ngừng. Hai người bước xuống. Thiếu chút nữa tôi đâm sầm vào bững xe. Và lại nghe tiếng cười khúc khích. Và có lẽ đây là âm thanh ngọt ngào nhất trong cõi trần ai mà tôi đã được nghe!

Đó là một khu vườn sâu hun hút. Tôi đứng nhìn theo ngậm ngùi. Nàng quay lại nhìn tôi một phát. Trời ơi! Bà cô trời đánh kéo vội tay nàng. Đôi mắt hạt dẻ khuất sau đám cỏ tranh còn lấp lánh đến tận giấc mơ của tôi bây giờ...

Kể từ buổi chiều hôm đó, ngày hai buổi sau giờ tan học tôi tìm về ngôi nhà có vườn cỏ tranh lung linh, mong sao một lần gặp lại đôi mắt ấy. Có nhiều khi đứng trước cổng trường Đồng Khánh sau giờ tan học, với tâm trạng của anh chàng cao khều Grand Meulnes trong câu chuyện của Alain Fournier, hy vọng gặp cô tiểu thư ở căn nhà trong khu rừng của dân Bô hê miên. Mùa hạ qua đi. Và mùa thu đến. Kể cả khi Đập Đá ngập lụt tôi cũng đi về đứng trước ngôi nhà cỏ tranh ấy. Nhưng người ơi, người đi biền biệt phương mô? Và tôi không có dũng cảm như anh Meulnes đánh ngựa đi tìm, dù sau này biết rằng đó là một cô gái Huế học trường Nữ Trung Học ĐN mùa hè về quê ngoại. Mà ĐN đâu có xa xôi!

Rồi tuổi trẻ bọn tôi cuốn theo cơn lốc lịch sử. Chiến tranh ly tán mỗi người một nơi. Đành gác lại tuổi vàng với những con đường có hai hàng cây sao, cổng trường vôi tím, và nhất là khu vườn cỏ tranh những sớm mai sương thu những chiều mưa bão... Và cho đến một đêm dạ vũ ở sân bay QS Sài Gòn, giữa tiếng đại bác đì đùng từ chiến trường xa và ánh hoả châu ma quái chập chờn trên thành phố, tôi bàng hoàng gặp lại đôi mắt màu hạt dẻ giữa đám xô bồ vội vã của những người đang cố vớt vát nốc cạn giọt đắng cay dưới ánh đèn và tiếng nhạc khiêu vũ. Nàng sánh vai cùng với một người anh lính tàu bay trong chiếc váy maxi màu lục bảo, lộng lẫy như một nàng công chúa trong chuyện thần tiên. Tôi lặng người ngồi trong góc phòng vời ly rượu vơi quá nửa. Không thể nào tôi quên được màu mắt ấy, màu mắt đã theo dấu quãng đời học trò thơ dại. Gần cuối buổi tiệc, khi tiếng còi giới nghiêm sắp hụ lên, tôi đã lấy tất cả dũng cảm của tuổi thanh xuân, với ly rượu trên tay, với nỗi niềm của anh Meulnes, đến bên đôi mắt hạt dẻ, nghiêng mình và buột miệng ”Chiếc xe đò Thuận An có thằng điên chạy theo, cô còn nhớ không?”

Tôi đã ra về mà không chờ đợi câu trả lời. Tôi đã không dám đánh xe ngựa như Meulnes đi tìm ngôi nhà cổ trong rừng. Tôi đã đánh mất tuổi vàng. Tôi đã... Xin giã biệt mùa hạ hồng. Xin giã biệt những chuyến xe đò màu xanh với những con số 9 Thuận An, 3 Bến Ngự, 5 Từ Đàm... Xin giã biệt đôi mắt màu hạt dẻ. Xin giã biệt Hà Thị Cỏ Tranh...


Huế, April 03
Phan Như

No comments: